Khái quát Khoa bảng Việt Nam

Một lớp học chữ Nho tư gia vào khoảng năm 1895

Khoa bảng (科榜) là cái bảng danh dự, liệt kê tên họ các thí sinh đỗ đạt học vị trong các kỳ thi cử này, phần lớn được tuyển chọn làm quan chức cho triều đại phong kiến Việt Nam. Khoa bảng là tĩnh từ để chỉ những người đỗ đạt này. Thí dụ: "Gia đình khoa bảng" là gia đình có học, có người trong họ đỗ đạt cao trong những kỳ thi cử do triều đình tổ chức và chấm khảo.

Các sách xưa dùng chữ Nho dạy Nho giáo cho thí sinh dự các kỳ thi Hương, thi Hội gồm có: Nhất thiên tự, Sử học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn, Tam tự kinh và bộ sách giáo khoa là Tứ Thư (Luận ngữ, Mạnh tử, Đại họcTrung dung), Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh DịchKinh Xuân Thu). Nhiều nho sĩ còn đọc thêm cả bách gia Chu Tử, các sách Phật giáo, Đạo giáo nữa. Khối lượng sách học thật là đồ sộ, lại phải học thuộc lòng và hiểu đúng nghĩa nên nho sinh mất rất nhiều công phu học và vất vả gian nan.[1]. Cực khổ nhất là phải chờ hai ba năm mới có kỳ thi. Khi đi thi thí sinh lại phải mang theo lều, chõng, thức ăn, lặn lội xa xôi lên kinh thành. Tác giả Ngô Tất Tố có viết truyện Lều chõng [2] để nói lên những oái ăm của các kỳ thi này.

Ngày nay nghe đến hai từ "lều chõng", có lẽ nhiều người sẽ lấy làm lạ vì những từ ấy từ biệt chúng ta mà đi tới chỗ mất tích đã gần ba chục năm nay. Nhưng mà trước hơn hai chục năm đi ngược trở lên, cho đến hơn một nghìn năm, "lều", "chõng" đã làm chủ vận mệnh của giang sơn cũ kỹ mà người ta tán khoe là "bốn nghìn năm văn hiến". Những ông ngồi trong miếu đường làm rường cột cho nhà nước, những ông ở nơi tuyền thạch, làm khuôn mẫu cho đạo đức phong hóa, đều ở trong đám "lều chõng" mà ra. Lều chõng với nước Việt Nam chẳng khác một đôi tạo vật đã chế tạo đủ các hạng người hữu dụng hay vô dụng. Chính nó đã làm cho nước Việt Nam trở nên một nước có văn hóa. Rồi lại chúng nó đã đưa nước Việt Nam đến chỗ diệt vong. Với chúng, nước Việt Nam trong một thời kỳ rất dài kinh qua nhiều cảnh tượng kỳ quái, khiến cho người ta phải cười, phải khóc, phải rụng rời hồn vía. (Ngô Tất Tố, Thời vụ số 109 ra ngày 10-3-1939)

Ngoài việc thông làu kinh sách và thể thức đi thi, sĩ tử còn phải thuộc những chữ kỵ húy. Ai viết lầm thì bị tội "phạm trường quy" và sẽ bị đánh hỏng.[3]

Thời Lý - Trần tổ chức thi Tam giáo để tuyển những người thông hiểu cả ba tôn giáo Nho, Phật và Lão. Khoa thi Tam giáo đầu tiên diễn ra năm 1195 đời Lý Cao Tông. Người đỗ Tam giáo gọi là Tam giáo xuất thân. Khoa thi Tam giáo cuối cùng tổ chức năm 1247 đời Trần Thái Tông. Hình thức này sau đó không áp dụng nữa[4].

Cuối thời nhà Trần, Hồ Quý Ly nắm quyền điều hành triều đình đã đặt ra lệ thi Hương đầu tiên ở các địa phương năm 1396 đời Trần Thuận Tông, lấy người đỗ được học vị cử nhân. Năm sau (1397) tổ chức thi Hội ở kinh đô. Đây là khoa thi Hội đầu tiên[4].

Từ thời Hậu Lê, việc thi cử được tiến hành đều đặn và quy củ. Các kỳ thi theo thứ tự là Thi Hương, Thi Hội, Thi Đình. Người đỗ đầu cả ba thì gọi là Tam Nguyên (như Tam Nguyên Nguyễn Khuyến).

Thi Hương được tổ chức mỗi 3 năm, vào các năm , Ngọ, Mão, Dậu. Thi Hội sau thi Hương 1 năm, vào năm Sửu, Mùi, Thìn, Tuất.Con đường học hành của sĩ tử ngày xưa bắt đầu rất sớm. Theo một số tài liệu còn lưu lại, khi 6 đến 7 tuổi, trẻ đã bắt đầu học về sách Sơ học vấn tân, Tam tự kinh (kinh ba chữ), Tứ tự kinh (kinh 4 chữ), Ngũ ngôn (văn vần 5 chữ). Học trò tập làm văn, làm câu đối 2 chữ, 4 chữ, biết phân biệt vần trắc và bằng…

Nội dung học tậpKhoảng 10 tuổi, học trò làm quen những sách kinh điển của Nho giáo, như Tứ thư, Ngũ kinh, rồi Bắc sử (sử Trung Quốc), Nam sử (sử nước ta).

Ngoài ra, trẻ còn phải đọc sách Bách gia chư tử của các triết gia Trung Quốc thời cổ đại, Đường thi, Tống thi, những áng văn tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc.Tất cả những nội dung đó, học trò phải thuộc lòng, quên một chữ thì tìm thầy để hỏi. Tất nhiên, để thi cử đậu đạt, những kiến thức trên vẫn chưa đủ. Nó còn phụ thuộc nhiều vào việc vẫn dụng sáng tạo, linh hoạt vào nội dung của từng bài thi cụ thể.

Không chỉ học thuộc làu văn thơ, kinh sách, viết văn, làm thơ, vế đối, học trò còn phải biết soạn thảo các loại văn bản của triều đình.

Thầy giáo trường làng được mệnh danh là thầy đồ, thường là những người học giỏi nhưng thi cử không đậu đạt cao, quan lại nghỉ hưu, hoặc thi đỗ mà không muốn làm quan…

Nhà nước không đài thọ trường dạy trẻ con mà chỉ mở trường huyện, phủ và tỉnh. Quan giáo dục ở huyện gọi là huấn đạo, ở phủ gọi là giáo thụ, còn danh hiệu đốc học gọi là quan của hàng tỉnh.Quy chế khoa cử thời phong kiến bao gồm 3 kỳ thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Trong đó, quan trọng nhất là 2 kỳ thi Hương và thi Hội.

Thi Hương được tổ chức quy mô một tỉnh hoặc liên tỉnh để chọn người vào thi Hội, thi Đình. Thể lệ thi Hương được ổn định từ thời Lê Thánh Tông, bắt đầu mở trường thi ở các địa phương.

Theo sách Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ của nhà Nguyễn, kỳ thi Hương có ba vòng (tam trường) hoặc bốn vòng (tứ trường).

Vòng đầu thi kinh nghĩa, gồm các sách tứ thư, ngũ kinh của Nho giáo. Vòng hai thi chiếu biểu (tức soạn thảo các văn bản hành chính như chiếu, biểu, sớ...). Vòng ba thi sáng tác thơ phú theo chủ đề. Vòng bốn thi văn sách để viết các bài tự luận.

Vòng thi kinh nghĩa tương đối dễ, chỉ cần thuộc lòng tứ thư, ngũ kinh và trình bày cho đúng ý của người xưa. Vòng thi chiếu biểu phải thuộc hàng trăm bài loại này rồi chắt lọc tinh hoa để viết thành bài.

Dễ làm nhưng khó đỗ nhất là kỳ thi thơ phú. Dễ vì suốt cả ngày chỉ cần sáng tác một bài thơ tối đa 16 câu và một bài phú tám câu, nhưng cái khó là phải hay (mỗi người một cảm nhận, đánh giá nên rất khó).

Vòng bốn thi văn sách thì tự do trình bày theo kiến giải riêng của mình, tương tự như thi tự luận ngày nay. Muốn qua được vòng thi này, sĩ tử không những phải thông làu kinh sử mà còn phải biết vận dụng sở học của mình để trình bày những kiến giải mới lạ.

Đề thi thường hỏi đủ mọi lĩnh vực như thiên văn, địa lý, bói toán, y học..., đặc biệt là những câu hỏi về thời sự, đòi hỏi sĩ tử phải có những kiến giải độc đáo và đưa ra giải pháp khả thi. Thi tứ trường nhưng phải học thiên kinh vạn quyển là thế!

Những người đỗ trong các kỳ thi Hương chia ra làm 2 loại. Loại một (từ thời Lê về trước) có các danh hiệu Cống cử, Cống sinh, Cống sĩ, Hương tiến, Hương cống. Những ông cử này sẽ được dự kỳ thi Hội. Loại Hai không được thi Hội gọi là Sinh đồ. Người đỗ đầu thi Hương được mệnh danh Giải nguyên.

Thi Hội và thi Đình được mệnh danh là kỳ thi Đại Tỷ (thi lớn, thường được gọi là Đại khoa, gồm hai giai đoạn).

Thi Hội là kỳ thi quốc gia dành cho những người đã qua thi Hương, có bằng cử nhân và các Giám sinh đã mãn khóa Quốc Tử Giám. Những người đỗ đạt trong các kỳ đại khoa như thế đều có danh hiệu, tùy thuộc các thời kỳ khác nhau trong lịch sử.

Theo quy định từ năm 1434, thi Hội cũng có 4 kỳ. Kỳ một thi kinh nghĩa, thư nghĩa, kỳ hai thi chiếu, chế, biểu, kỳ ba thi thơ phú và kỳ bốn thi văn sách.

Thi Đình còn gọi là Điện thí, được tổ chức ngay tại sân điện, do đích thân vua ra đề và chấm thi. Quyển thi và quyển nháp đều do bộ Lễ cấp, có rọc phách. Vua chấm thi vẫn không biết bài đó của ai. Thi Đình thực chất là cuộc phúc tra cuối cùng nhằm thẩm định và xếp hạng các tân tiến sĩ.

Đây cũng là kỳ thi cuối cùng để xếp loại tiến sĩ đã đỗ ở kỳ thi Hội trước đó. Sau khi vua chấm bài, học vị của các sĩ tử được quyết định và bảng vàng ghi danh là vinh hiển tột cùng.

Các tiến sĩ có tên niêm yết trên bảng vàng sẽ được ban yến tiệc trong cung, được bệ kiến hoàng thượng, thăm hoa ở vườn ngự uyển, cưỡi ngựa dạo khắp kinh thành, rồi vinh quy bái tổ. Phần thưởng cao quý nhất cho tiến sĩ là được khắc tên vào bia đá đặt ở Văn Miếu để lưu danh mãi mãi.

Dưới thời Nguyễn, sĩ tử mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị gông cổ, phạt đánh 100 roi, bài thi quy định rất ngặt nghèo về cách diễn đạt, trình bày…

Mặc dù không quy định tuổi tác, triều đình rất xem trọng đạo đức của thí sinh. Chỉ những người đáp ứng đủ điều kiện về đạo đức mới được dự thi. Khi đã vào trường thi, mọi người đều bình đẳng như nhau.

Thời nhà Nguyễn quy định thi Hương đỗ tam trường (ba vòng đầu), đạt học vị Tú tài; đỗ tứ trường đạt học vị Hương cống (về sau gọi là cử nhân); đỗ thủ khoa đạt Giải nguyên.

Thi Hội đỗ bảng chính gọi là trúng cách được tiếp tục dự thi Đình; đỗ bảng thứ là thứ trúng cách, được học vị Phó bảng; đỗ thủ khoa đạt Hội nguyên.

Đỗ thi đình đạt học vị chung là Tiến sĩ; đỗ thủ khoa đạt Đình nguyên. Thời Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên vì đề xuất Tứ bất lập do sợ lạm quyền: Không đặt chức Tể tướng, không lấy đỗ Trạng nguyên, không lập Hoàng hậu và không phong Đông cung.